Trang chủ > Công tác chính trị > Công tác Đảng và Đoàn thể

Công tác Đảng và Đoàn thể

Chào mừng kỉ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam (24/5/1959-24/5/2019)

GẶP GỠ, TRÒ TRUYỆN VỚI BÀ THIÊN KIM, MỘT NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ…

                                                                           Ghi chép của thầy Phạm Khắc Hiếu - cựu sinh viên khóa 3 và Nguyễn Phương Liên, Tôn Nữ Tuyết Lan, Ban Công tác Chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt nam trong buổi nói chuyện với bà Thiên Kim, năm 2016

 

Bất cứ ai, mỗi lần đến thăm Phòng truyền thống của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đều được chiêm ngưỡng một số bức ảnh, ghi lại những kỷ niệm có 1 không 2, trong ngày 24-5-1959, ngày Bác Hồ về thăm Học Viện Nông Lâm (Tên trước đó là Đại học Nông Lâm, nay là Học viện Nông Nghiệp Việt Nam). Trong số đó, có những bức ảnh Bác đang ghi Sổ vàng…

 Người được giao nhiệm vụ cầm và nâng cuốn sổ vàng để Bác ghi là một nữ sinh viên lớp Trồng Trọt khóa 3, chị Thiên Kim, lúc đó mới 19 tuổi, có khuôn mặt xinh đẹp, với bím tóc đuôi Sam thật dài, thật mượt, đen và óng …

Để chuẩn bị cho Kỉ niệm 60 năm thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam, vừa qua, chúng tôi được Chủ tịch Hội đồng và Giám đốc Học viện giao trách nhiệm tìm gặp bà Thiên Kim và qua bà, tìm hiểu 1 số chi tiết lịch sử liên quan đến những bức ảnh này.

Sau ít phút trò chuyện thân tình, hàn huyên về công việc, về gia đình, về đời sống… chúng tôi bắt nhập ngay vào câu chuyện Bác Hồ đến thăm Học viện và những bức ảnh…

                    Bà Thiên Kim chậm rãi cho biết:

“Đời tôi có 2 ngày không thể nào quên ! Thứ nhất, ngày sinh nhật 30-1-1937 của tôi; Thứ 2, ngày 24-5-1959, ngày được nâng cuốn Sổ vàng để Bác Hồ ghi những lời dặn dò ân cần mà Bác giành cho Học viện Nông Lâm chúng ta.

Tôi nhớ: Chiều hôm ấy, chiều 24-5-1959, lớp Trồng Trọt khóa 3 chúng tôi đang lao động gặt lúa thí nghiệm ở trại trường. Bỗng có 1 đoàn người đi đến. Chúng tôi nhận ra ngay người mặc bộ quần áo màu gụ-nâu đi trong đoàn. Và, cùng reo lên: BÁC HỒ.

Bác đi thăm khu ruộng lúa thí nghiệm. Bác trao đổi, hỏi han, dặn dò Ban Giám đốc và các thầy cô, các cán bộ kỹ thuật của Học viện, ngay tại ruộng. Sau đó, chúng tôi cùng theo Bác về Hội-Trường-Nhà-Lá để Bác gặp gỡ, trò truyện với đông đảo cán bộ, công nhân viên và sinh viên đã tề tựu chuẩn bị đón Bác.

Thì ra, Bác đã đến từ đầu giờ. Bác đã đi thăm nhà bếp, nhà ăn, nhà ở của cán bộ, sinh viên... Trong lúc Ban Giám đốc tháp tùng Bác đi thăm lúa thí nghiệm, thì ở nhà, mọi người đang học hay đang làm việc, đều dừng lại, cùng nhau kéo lên hội trường, tập trung đón đợi Bác.

Anh Nguyễn Văn Hưởng trao cho tôi quyển Sổ vàng của nhà trường để trình Bác ghi lưu niệm. Tôi chỉ kịp rửa qua loa chân tay cho hết bùn đất, vẫn mặc quần áo lao động để  thực thi nhiệm vụ trường giao (vì vừa ở ruộng lúa thí nghiệm theo Bác về đây) .

Tôi nhớ rất kỹ: nhà trường có chuẩn bị bàn, ghế; nhưng Bác không ngồi mà cầm cuốn sổ vàng đi đến, kê lên gờ xây bao quanh phía trước sân khấu và ngồi xổm để viết. Tôi cũng ngồi xổm bên cạnh, đỡ cuốn sổ để Bác ghi.

Tưởng không gì có thể giản dị, ấm cúng, hòa đồng, bình dân hơn, ở các vị nguyên thủ quốc gia khác, trên đời này…

Anh Nguyễn Văn Hưởng là người được Ban Giám đốc giao nhiệm vụ chụp ảnh Bác và chuẩn bị Sổ vàng để Bác viết. Anh là một cán bộ miền Nam tập kết và được tuyển vào học khóa 1 khoa Chăn Nuôi Thú Y của trường. Trong kháng chiến chống Pháp đã có thời gian anh từng là cán bộ tuyên huấn; nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm chụp ảnh, chiếu phim (chiếu bóng). Với chiếc máy ảnh nhãn hiệu Kiev (của Liên Xô) trong tay, anh đã chụp nhiều kiểu, từ nhiều góc độ ánh sáng, từ nhiều tư thế khác nhau của Bác. Ngay ngày hôm sau, anh đã hoàn tất bộ ảnh cho nhà trường. Anh cũng không quên tặng tôi một số kiểu, trong đó có ảnh Bác ngồi xổm dưới sàn sân khấu để ghi Sổ vàng mà tôi được ngồi bên cạnh.

Đến nay, sau gần sáu chục năm, tôi vẫn giữ những bức ảnh đó như giữ những báu vật của gia đình, của dòng họ. Trong số đó, có một bức ảnh được tôi phóng to và treo ở vị trí mà hàng ngày, mọi thành viên trong gia đình, lúc đi làm hay khi trở về nhà, đều nhìn thấy Bác.

Gần sáu chục năm, dù công tác ở vùng rừng núi Quỳ Châu, Nghệ An, hay khi làm việc tại 1 viện nghiên cứu về cây công nghiệp ở vùng đồng bằng; hoặc bây giờ đã nghỉ hưu, dưỡng già, tôi đều tự thấy mình vẫn luôn sống tốt, hăng say, hết mình vì công việc, vì mọi người. Đó là nhờ những lời dạy của Bác năm nào, vẫn in đậm trong tâm khảm tôi, soi đường, nhắc nhở tôi.

Năm nay tôi đã 80 tuổi. Thời gian mà cuộc đời dành cho tôi không còn nhiều. Sức khỏe mà Trời Đất ban cho tôi cũng chẳng còn được mấy. Nếu Học viện cần sao chụp lại những bức ảnh ngày Bác đến thăm trường 24-5-1959 mà tôi có, tôi luôn sẵn sàng. Tôi cũng sẽ để lại những bức ảnh, những báu vật này, cho đứa con trai duy nhất và 2 đứa cháu nội của tôi. Hy vọng chúng sẽ cùng mọi người sống, làm việc và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại như những thế hệ tôi và chúng ta, trước đây… hôm nay… và mai sau…”.

                                                                                      Ban CTCT&CTSV


SỰ KIỆN NỔI BẬT