Trang chủ > Công tác sinh viên > Sinh viên đang học

Sinh viên đang học

Đánh giá công tác giáo dục thể chất và phương hướng đa dạng hóa các môn học GDTC cho sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể dục thể thao luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, Hội đồng, Ban Giám đốc Học viện. Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được, luôn giữ vững danh hiệu đơn vị tiên tiến xuất sắc về công tác TDTT trong 44 năm liên tục. Công tác TDTT trong Học viện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội sinh viên, Trung tâm Giáo dục thể chất và Thể thao (GDTC&TT), các khoa chuyên môn và các phòng ban chức năng trong Học viện.

Trung tâm Giáo dục thể chất và Thể thao là đơn vị chịu trách nhiệm về công tác chuyên môn, tham mưu tổ chức, xây dựng phong trào TDTT của Học viện. Hiện tại, Trung tâm GDTC&TT có 20 Cán bộ viên chức, trong đó có 18 giảng viên (01 Tiến sĩ, 17 Thạc sỹ); 01 giảng viên là trọng tài cấp I Quốc gia môn Bóng chuyền; 01 trọng tài cấp Quốc gia môn Cờ tướng và 01 trọng tài cấp khu vực môn Cầu lông.

Cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT gồm có: 01 Sân vận động lớn có đường chạy 400m; 01 nhà tập thể hình, diện tích 1.200m2 với đầy đủ trang thiết bị; 05 sân bóng đá Mini, 03 sân Bóng rổ, 03 sân Bóng chuyền có lưới bảo vệ và Nhà tập luyện thể dục thể thao đa năng, diện tích: 1.800 m2;  Diện tích đất đai dành cho giảng dạy GDTC khoảng 31.600 m2.

 

Chương trình GDTC chính khóa hiện nay đang áp dụng với sinh viên là 3 tín chỉ tương đương 90 tiết. Trong đó có 01 tín chỉ bắt buộc là Giáo dục thể chất đại cương và 02 tín chỉ tự chọn trong 08 môn học là: Điền kinh, Thể dục Aerobic, Khiêu vũ thể thao, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Cầu lông và Cờ vua.

 

Giáo dục thể chất ngoài phần giảng dạy kỹ thuật động tác, giáo dục các tố chất thể lực được coi trọng đúng mức. Công tác giảng dạy được tổ chức chặt chẽ, sinh viên mặc đồng phục, đi giầy thể thao. Sinh viên mới khi nhập trường, đều được kiểm tra sức khỏe ban đầu, lập hồ sơ sức khỏe. Nhóm sinh viên sức khỏe yếu hoặc cần miễn giảm hoạt động gắng sức đều được Hội đồng sức khỏe Học viện lập danh sách gửi tới Bộ môn GDTC. Sinh viên có thể lực yếu, bệnh tật chỉ phải tập bài tập có lượng vận động thấp, thi và kiểm tra phù hợp với thể lực của sinh viên. Vì vậy trong giảng dạy chính khóa và ngoại khóa phòng ngừa chấn thương tốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sinh viên.

Cán bộ và sinh viên trong toàn Học viện có nhận thức tốt về ý nghĩa tác dụng của tập luyện thể dục thể thao nhằm củng cố và nâng cao sức khỏe. Phong trào TDTT trong Học viện phát triển mạnh, đa số các sinh viên đều yêu thích tập luyện TDTT. Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện có 14 câu lạc bộ TDTT: Bóng rổ, Bóng bàn, Cầu lông, Bóng chuyền, Quần vợt, Bóng đá, Teakwondo, Zumba và Bóng đá Cán bộ..., tập luyện từ 2 đến 4 buổi/tuần. Các Câu lạc bộ đều có ban chủ nhiệm, tự trang trải kinh phí tổ chức hoạt động và có kế hoạch hoạt động trong năm. Câu lạc bộ đã cung cấp nhiều VĐV cho đội tuyển thể thao của Học viện giành nhiều huy chương tại các giải do huyện Gia lâm, Hội thể thao ĐH & CN Hà Nội, Hội thể thao ĐH & CN Việt Nam tổ chức.

 

Để đa dạng hóa số lượng các môn học giáo dục thể chất tự chọn trong Học viện, giúp sinh viên có cơ hội cập nhật những môn thể thao mới, hội nhập với khu vực và thế giới. Theo Dự án Worldbank của Học viện, đến cuối năm 2022 cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT sẽ có thêm 01 nhà thi đấu đạt chuẩn, Bể bơi và sân tập Golf diện tích 03ha. Dự kiến trong năm học 2022-2023, sinh viên Học viện sẽ được học thêm các tín chỉ tự chọn: Golf, Bơi lội và Thể hình thẩm mỹ với học phí chỉ tương đương với với một tín chỉ học môn GDTC tự chọn khác. Sự đa dạng các môn GDTC tự chọn sẽ giúp sinh viên lựa chọn được môn thể thao phù hợp với đam mê, sức khỏe bản thân. Mặt khác, học môn Golf, sinh viên Học viện sẽ có thêm cơ hội làm chuyên gia, nhân viên chăm sóc, bảo dưỡng cỏ sân; hướng dẫn kỹ thuật, phục vụ dịch vụ chơi Golf với mức lương cao (12-15 triệu đồng/tháng); Hiện nay chưa có nhiều người được đào tạo chính quy chuyên môn để chăm sóc cỏ sân Golf. Cỏ sân chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, vì trong nước chưa sản xuất được. Từ đó, cơ hội việc làm của các em sẽ càng thêm rộng mở.

 

TT Giáo dục thể chất & Thể thao


SỰ KIỆN NỔI BẬT