Trang chủ > Công tác chính trị > Công tác Đảng và Đoàn thể

Công tác Đảng và Đoàn thể

Hà Nội – Thăng Long - Đông Đô 1010 năm văn hiến và hành trình giải phóng thủ đô 66 năm về trước

Một ngàn mười năm trước, Hà Nội đã được ông cha ta chọn là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu nghiệp lớn. Ngày nay, những dấu ấn, di sản mà tiền nhân để lại đã trở thành nguồn động lực to lớn cho Hà Nội vững bước trong thời đại tri thức và sáng tạo, để Thăng Long - Hà Nội mãi mãi là biểu tượng rạng rỡ của đất nước Việt Nam.

Hà Nội - Kinh đô muôn đời

Từ kinh đô Cổ Loa của Nhà nước Âu Lạc cách đây hơn 2000 năm đến kinh đô Thăng Long của Nhà nước Ðại Việt hơn 1000 năm trước và ngày nay là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, vào năm 1010, đức Thái Tổ Lý Công Uẩn đã ban Chiếu rời đô, từ Hoa Lư tỉnh Ninh Bình về thành Đại La. Trong chiếu dời đô có đoạn: “Thành Đại La ở vào chính giữa trời đất, có cái thế Rồng cuộn, Hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện thế nhìn sông, tựa núi. Đất ấy rộng, lại bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa, dân cư không phải cái nạn tối tăm, ẩm thấp, muôn vật cực kỳ giàu thịnh đông vui, xem khắp nước Việt, đó là đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất đáng mặt làm kinh sư cho muôn đời”.

Về tên gọi thăng Long, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết lý do hình thành tên gọi này như sau: "Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long" (Toàn thư, Tập I, H, tr 241).
Sách Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long cũng luận giải và khẳng định: “Tên gọi Thăng Long chứa đựng một ý nghĩa lớn. Trước hết, tên gọi rồng bay (Thăng Long) gợi tả được khí thế mạnh mẽ vươn lên của kinh thành. Nhưng tên gọi rồng bay còn thể hiện một khát vọng hòa bình, đời sống hạnh phúc, tự do của dân tộc Việt Nam thời bấy giờ… Hơn thế nữa, biểu tượng rồng bay còn chứa đựng ý niệm thiêng liêng trở về cội nguồn Rồng - Tiên và mơ ước về nguồn nước, mưa thuận gió hòa của cư dân văn minh nông nghiệp trồng lúa nước” (tập 1, tr.1222).

Mang vận mệnh Kinh thành của một quốc gia luôn phải đối mặt với binh đao, lửa đạn, Thăng Long - Hà Nội ôm trọn khát vọng rồng bay từ một nền văn hiến ngàn đời. Kể từ ngày đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước” làm nơi định đô, mọi kẻ thù xâm lược đều thất bại. Mỗi khi đất nước nguy nan, tinh thần Thăng Long lại ngời sáng qua những trận quyết chiến có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc. Đó là Đông Bộ Đầu năm 1258, Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, Hà Nội mùa đông năm 1946... và đặc biệt là cuộc đụng đầu lịch sử với không quân Mỹ 12 ngày đêm trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972.

Trải qua hơn 10 thế kỷ từ khi Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô, Thăng Long - Hà Nội đã luôn thể hiện một bản lĩnh phi thường, từ trong gian khó đau thương, "bay" lên hiên ngang và bất khuất. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công hiển hách, lưu danh muôn đời.

leftcenterrightdel Hà Nội – Thăng Long - Đông Đô 1010 năm văn hiến và hành trình giải phóng thủ đô 66 năm về trước
 

  

Hà Nội – 66 năm chiến thắng giải phóng thủ đô

Những năm tháng hào hùng của dân tộc đã qua đi để lại cho chúng ta biết bao nhiêu kỉ niệm quý giá và đáng nhớ. Theo dòng chảy thời gian, những kí ức lịch sử ấy sẽ còn sống mãi với toàn bộ dân tộc Việt Nam. Chắc hẳn là một người con của Hà Nội thân yêu, không ai là không nhớ ngày 10/10 - một ngày trọng đại của Hà Nội nói riêng cũng như toàn dân tộc Việt Nam nói chung, ngày giải phóng thủ đô. Dù đã qua bao nhiêu năm nhưng những kí ức về một ngày giải phóng thủ đô vẫn luôn ngập tràn trong tim những người dân Hà Nội.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã giáng một đòn phản công mạnh mẽ đến thực dân Pháp khiến Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán kí hiệp định Giơnevơ về đình chiến tại Đông Dương. Qua nhiều ngày đấu tranh gian khó và kiên cường, các hiệp định về công tác chuyển giao lại Hà Nội đã được hoàn tất và ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Ngay sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố. Ủy ban quân chính Hà Nội đã được thành lập theo Nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn Quân tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch, thực hiện nhệm vụ tiếp thu và quản lý Hà Nội.

Lính Pháp di chuyển trên cầu Long Biên rời khỏi Hà Nội
 Lính Pháp di chuyển trên cầu Long Biên rời khỏi Hà Nội

 

Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Theo kế hoạch đã định, sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16 giờ 30 thì tiến đến đường đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân.

Sáu giờ sáng ngày 9/10/1954, bộ đội ta theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi. Lần lượt bộ đội tiếp thu nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. Lúc 16 giờ, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. Đến 16 giờ 30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội, tiếp thu thành phố gọn gàng và trật tự. Bộ đội tiến đến đâu, nhân dân ta đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà.

Trung đoàn 308 tiến vào giải phóng Hà Nội trong tiếng reo hò của toàn dân
 Trung đoàn 308 tiến vào giải phóng Hà Nội trong tiếng reo hò của toàn dân

 

Đúng 5 giờ sáng ngày 10/10/1954, nhân dân thủ đô quần áo chỉnh tề mang cờ, ảnh Bác Hồ, những bó hoa tươi thắm, thành đội ngũ trật tự theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố..., kéo tới những con đường đã được thông báo trước là bộ đội hành quân qua.

Đoàn xe đầu tiên do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào và trung tâm thành phố.

Đến 8 giờ sáng ngày 10/10/1954, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô. Các chiến sĩ diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang…, đến 9 giờ 45 tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội.

8 giờ 45 phút ngày 10/10/1954, cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá tiến qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh hồ Gươm rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo.

Đến 9 giờ 30 ngày 1/10/1954, đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Bạch Mai, phố Huế, 10 giờ 5 đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc tiến vào thành lúc 10 giờ 45.

Vào lúc 15 giờ ngày 1/1/1954, còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài. Như một mạch nối lịch sử diệu kỳ, mấy chục vạn nhân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự Lễ chào cờ ngay ở địa điểm đất thiêng hình thành kinh đô từ ngàn năm trước đó là khu Hoàng Thành Thăng Long, mà lúc bấy giờ là sân vận động cột cờ hà Nội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Lễ chào cờ trang nghiêm của quân và dân Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô
Lễ chào cờ trang nghiêm của quân và dân Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô 

 

Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kì to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Đảng và Nhà nước ta đã ba lần tặng thưởng cho Thủ đô Hà Nội Huân chương Sao Vàng vào các năm 1994, 2004, 2010 và danh hiệu thành phố Anh hùng vào năm 2000.

Đến nay, mỗi khi tới ngày 10/10, cả thủ đô Hà Nội đều ngập tràn cờ hoa, kỉ niệm ngày giải phóng thủ đô và cùng nhau nhìn lại lịch sử ngày giải phóng thủ đô đầy hào hùng và hạnh phúc của những người dân Hà Nội nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung. Ngày 10/10 đã trở thành một ngày kỉ niệm quan trọng trong lòng những người con Hà Nội, cùng nhau ra sức xây dựng một Hà Nội văn minh giàu mạnh hơn, xứng đáng là kinh đô Thăng Long – 1010 năm văn hiến.

Ban CTCT&CTSV


SỰ KIỆN NỔI BẬT