Vị Phó giáo sư nắm giữ nhiều giống lúa lai tiền tỷ
Có lẽ PGS.TS Nguyễn Thị Trâm là một trong những nhà khoa học nữ thành công nhất trong lĩnh vực nông nghiệp khi bà liên tiếp tìm và phát triển được nhiều giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt hương vị thơm ngon và đặc biệt có giá trị kinh tế khủng.
Trước khi khiến cả giới khoa học và dư luận xôn xao vì những hợp đồng chuyển nhượng khủng PGS. TS Nguyễn Thị Trâm đã nghiên cứu cho ra đời hàng chục giống lúa lai khác nhau như: NN-9, NN-10, NN-23, TH-5, TH3-11, TH5-1, TH6-3, TH2-3… tạo ra hàng tỷ đồng tiền bán giống lúa cho Nhà nước. Bà là một trong ít người Việt được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2000 và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005.
Thành công vang dội đầu tiên của bà có lẽ phải kể đến hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giống lúa lai TH3-4 với giá chuyển nhượng lên tới 700 triệu đồng vào tháng 3/2008. Đây là một trong những hợp đồng chuyển nhượng giá trị khủng của nhà khoa học Việt thời điểm đó.
Tuy nhiên, thành tựu khiến cả giới khoa học chấn động lại là một hợp đồng chuyển nhượng giá trị khủng được ký kết vào tháng 6/2008. PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã chuyển nhượng bản quyền giống lúa lai hai dòng TH3-3 của bà cho một doanh nghiệp với cái giá kỷ lục lên tới 10 tỷ đồng.
Tại thời điểm đó lúa lai hai dòng TH3-3 là giống lúa gốc Việt phù hợp với túi tiền của người nông dân vì được sản xuất hoàn toàn trong nước, lại có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, thân cây cứng và không cao nên ít bị đổ do gió bão.
Không chỉ vậy giống lúa này cũng thích hợp với nhiều vùng khí hậu khác nhau, chất lượng gạo thơm ngon và kháng được nhiều loại bệnh. Lúa TH3-3 có thể đạt năng suất 7 - 8 tấn/ha, cao hơn mức trung bình 6,5 tấn của vụ đông xuân năm 2008 ở miền Bắc. Chính vì thế ngay sau khi được đưa tới tay người nông dân giống lúa này đã được nhân rộng tới 60% diện tích sản xuất lúa lai trong cả nước, mở ra nhiều vùng sản xuất hạt giống lai rộng lớn, từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng, miền Trung và Tây Nguyên đã tạo công việc làm cho hàng vạn lao động nông nghiệp có tay nghề cao, thu nhập cao hơn.
Chính PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã khen lúa TH3-3 con cưng của mình thời điểm đó xứng đáng là "hoa hậu" trong số những đứa con của tôi. Hạt gạo thật trắng, nấu cơm rất thơm, dẻo. Nó lại là kiểu cây bán lùn, thân cứng nên ít bị đổ khi gặp mưa bão, lại kháng được các bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá…
Bà bảo nếu để giống lúa TH3-4, TH3-3 trong nhà, mỗi năm, nó cũng sản sinh cho bà hàng tỷ đồng. Nhưng công việc của bà là nghiên cứu ra những giống lúa mới, chứ không phải kinh doanh mãi trên những sản phẩm mình làm ra chính vì thế sau 2 đứa con cưng này bà tiếp tục tìm tòi nghiên cứu, nhân giống và ngay cả khi đã về hưu bà vẫn say sưa từng ngày với cây lúa và tiếp tục đưa ra nhiều giống lúa mới đặc biệt.
Đáng nói nhất giống lúa lai hai dòng TH3-3 là TH3-4 bà tiếp tục cho ra đời giống lúa TH3-5, TH5-1, TH7-2 và gần đây là giống lúa thơm Hương cốm... với thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng nên nhu cầu về hạt giống tăng cao.
Gần đây vào năm 2016 phòng nghiên cứu của bà đã cho ra đời 4 giống lúa thuần Hương Cốm. 4 giống lúa này có thời gian sinh trưởng từ ngắn đến trung ngày, gạo có mùi hương thơm đặc biệt. Có giống thơm mùi dứa, có dòng thơm mùi bỏng ngô... Và đặc biệt chúng đều có năng suất khá, chống chịu sâu bệnh tốt.
Tháng 12 năm 2016, hai giống Hương cốm 1, và Hương cốm 4 của bà Trâm đã được chuyển giao bản quyền cho Công ty TNHH Cường Tân để mở vùng sản xuất lúa thơm hữu cơ, xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản sạch chất lượng cao cung cấp ra thị trường. Nói về 2 giống lúa mới này PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cũng vô cùng tự hào. Đơn cử với lúa hương cốm 4 đây là loại lúa cho hạt gạo có chất lượng tốt: hạt gạo thon dài trắng bạc, tỷ lệ gạo nguyên cao, hàm lượng dinh dưỡng cao, chất lượng cơm ngon, thơm nhẹ, mềm dẻo, bóng, ngọt đậm.
Điểm đặc biệt nhất của lúa hương cốm phải kể đến chính là mùi hương của gạo. Mùi hương hoàn toàn tự nhiên khiến bạn thích thú và khó quên khi ăn ngay từ lần đầu tiên.
Được biết vác giống lúa thơm Hương cốm tổng hợp được nhiều nguồn gen thơm nhập từ nước ngoài, từ các giống đặc sản bản địa, chọn lọc tinh vi, đánh giá lặp lại nhiều vụ nên năng suất cao hơn các giống lúa thơm hiện đang gieo trồng, hạt gạo thơm, thon dài, trong và bóng, cơm dẻo, thơm ngon, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.
Cả đời cặm cụi say sưa bên cây lúa
Được biết đến là nhà khoa học nữ đặc biệt thành công với nhiều thành tích khủng khi nghiên cứu cây lúa nhưng ít người biết được để có những gia tài quý giá đó trong sự nghiệp PSG.TS Nguyễn Thị Trâm bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Bà hoàn toàn không biết gì về nông nghiệp về cây lúa, bà chỉ bén duyên và yêu loại cây cho hạt ngọc trời này khi bước chân vào trường nông nghiệp và về công tác tại Viện Cây lương thực và thực phẩm sau khi ra trường năm 1968.
Thời gian này bà đã mày mò, nghiên cứu cho ra đời nhiều giống lúa mới, được phổ biến rộng rãi như NN-9, NN-10, NN-23, NN-75-6... Sau những thành công ban đầu năm bà được cử đi học tại Viện Nghiên cứu lúa của Liên Xô sau đó là cả quả trình giảng dạy, vừa nghiên cứu và tiếp tục cho ra đời nhiều giống lúa mới cho năng suất cao, phẩm chất tốt được công nhận là giống quốc gia, như giống lúa ĐH60, nếp thơm 44, 256...
Công tác nghiên cứu của bà thật sự có bước ngoặt kể từ năm 1993 sau chuyến đi học ngắn ngày tại Trung Quốc . Với những kiến thức đã có cộng với tài liệu được học và "học lỏm" từ Trung tâm lúa lai Hồ Nam, Trung Quốc PGS.TS Nguyễn Thị Trâm lại âm thầm nghiên cứu, tìm hiểu bí mật công nghệ của lúa lai hai dòng.
Năm 1997, những báo cáo bước đầu về "bí mật" của lúa lai hai dòng do bà nghiên cứu đã gây tiếng vang và liên tục được đầu tư kinh phí cho việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện giống lúa lai hai dòng mới. Chi phí cho nghiên cứu của bà thời điểm đó lên tới gần 5 tỷ đồng nhưng kết quả đạt được cũnggây ngỡ ngàng. Ngay sau khi tìm ra được giống lúa mới bà không chỉ thu hồi được vốn ngay trong những năm thử nghiệm mà từ dòng gen mới tìm ra, PGS-TS Trâm tiếp tục nhân dòng tạo thêm rất nhiều tổ hợp lúa lai hai dòng mới "cùng mẹ khác cha" như TH3-4, TH3-5, TH3-11, TH5-1, TH6-3, TH2-3...
Năm 66 tuổi PGS.TS Nguyễn Thị Trâm chính thức nghỉ hưu nhưng việc nghiên cứu của bà chưa bao giờ ngừng lại. Bà vẫn tiếp tục bôn ba khắp đồng bằng, miền núi để nghiên cứu, tìm tòi cho ra những giống lúa mới tốt nhất cho nông dân. Bà tiết lộ: "Mình đã tìm hiểu, khảo sát và tới đây sẽ xây dựng vùng nghiên cứu, nhân giống lúa lai tại Sơn La". Và tâm nguyện của bà cũng là làm sao giúp nông dân miền núi có thêm nhiều giống lúa mới thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để có những mùa vàng bội thu, với những giống lúa tốt nhất do bà làm ra.
Theo: https://vtcnews.vn/pgsts-nguyen-thi-tram-nguoi-ca-doi-say-sua-voi-cay-lua-ar334871.html