Trang chủ > Công tác chính trị > Công tác Đảng và Đoàn thể

Công tác Đảng và Đoàn thể

75 năm Cách mạng Tháng 8: Bài học về chớp thời cơ Cách mạng

Vào ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc họp ở Tân Trào nhận định rằng, điều kiện cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi và chuẩn bị lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa. Chỉ sau 15 ngày nổ ra, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ với 15 năm tuổi đời cùng với lực lượng nhỏ bé của mình tổ chức thành công Cách mạng Tháng Tám bởi đã chớp đúng thời cơ. Cho tới nay, đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thì bài học này còn nguyên giá trị cho bất kỳ cuộc chiến đấu chống lại bất kỳ loại giặc nào.

 

75 năm Cách mạng Tháng 8  Bài học về chớp thời cơ Cách mạng
 

1. Bài học “chớp thời cơ” từ Cách mạng Tháng Tám

Năm 1940, ngay giữa Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Pháp đã đầu hàng Đức Quốc xã, đồng ý cho quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Bắc Kỳ. Ngay lập tức, quân đội Nhật dùng đó làm bàn đạp ảnh hưởng đến các chiến trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Trên thực tế, đây là một điểm quan trọng trong chiến lược quân sự của Nhật nhằm thống trị toàn bộ Đông Nam Á. Trong khi chờ đợi cuộc đại thắng của Đức tại châu Âu, Nhật tạm thời duy trì hệ thống bảo hộ của Pháp tại Đông Dương. Thời gian này, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp, như Khởi nghĩa Nam Kỳ, Khởi nghĩa Bắc Sơn, Xô-viết Nghệ Tĩnh nhưng đều thất bại. Những binh lính tham gia chiến tranh Thái Lan thực hiện cuộc Binh biến Đô Lương cũng thất bại. Vào tháng 5/1941, các lực lượng ái quốc, trong đó nòng cốt là Đảng Cộng sản Đông Dương tập hợp tại một địa điểm gần biên giới Việt – Trung, tham gia một tổ chức đứng về phía Đồng Minh giành độc lập cho Việt Nam, gọi là Việt Nam Độc lập Đồng minh, thường được gọi vắn tắt là Việt Minh. Tổ chức Việt Minh xây dựng một chiến khu ở biên giới Việt – Trung. Ngày 22/12/1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập một trung đội 34 người mang tên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (một trong những tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) tiến đánh quân Nhật, mở rộng chiến khu. Trước khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, chiến khu đã bao gồm nhiều tỉnh vùng đông Bắc Bắc Bộ, gọi là chiến khu Việt Bắc. Dưới sự cai trị của Nhật, từ tháng 10/1944 đến tháng 5/1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra làm 2 triệu người chết. Đây là thời cơ để Việt Minh xây dựng lực lượng lớn khắp cả nước. Đồng thời, một đại hội đại biểu toàn quốc họp trên chiến khu, thành lập Quốc dân Đại hội, tức quốc hội lâm thời.

Ngày 19/8/1945, đường phố Hà Nội ngập tràn cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, cờ hoa,…
Ngày 19/8/1945, đường phố Hà Nội ngập tràn cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, cờ hoa,… 

 

Tại châu Âu, Đức thất trận và đầu hàng ngày 7/5/1945. Ngày 6/8, Hoa Kỳ ném hai trái bom nguyên tử trên đảo Hiroshima và Nagasaki. Ngày 15/8, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Quân Nhật tại Việt Nam dao động nhưng không tan rã, thậm chí vẫn giữ nguyên khí giới và các chốt phòng thủ. Tuyên bố Potsdam của Anh, Mỹ và Trung Hoa Dân quốc gửi Nhật ngày 26/7 không nói rõ phần lãnh thổ nào của Đông Dương sẽ do ai giải giới vũ khí mà chỉ nói các vùng lãnh thổ do Nhật Bản chiếm được bằng vũ lực sẽ được các nước đồng minh vào giải giới. Tuyên bố cũng không nhắc đến việc vùng nào do ai giải giới mà chỉ nói là phe Đồng minh (bao gồm cả Việt Minh) sẽ tham gia giải giới. Thậm chí phía Nhật đã bác bỏ Tuyên bố này. Tới 10/8/1945, phía Nhật mới chấp nhận. Trước tình hình đó, Nhật bàn giao cho Khâm sai Bắc Kỳ. Tin đồn lực lượng quân Nhật sắp sửa đầu hàng đã lan tỏa khắp nơi tại miền Bắc, lợi dụng cơ hội, dân chúng đã tụ tập biểu tình, bãi công nhiều nơi, như ở Thái Bình vào ngày 11/8. Từ ngày 12/8/1945, các đơn vị Giải phóng quân của Việt Minh lần lượt tiến công các đồn Nhật ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái,... và hỗ trợ nhân dân các tỉnh này tiến lên giành chính quyền tại các tỉnh lỵ. Cùng ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước (thay đổi hình thức tuyên truyền, tổ chức đấu tranh để thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, tập dượt quần chúng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền). Ngày 16/8/1945, một đơn vị Giải phóng quân của Việt Minh kéo về bao vây, tấn công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên. Ngày 17/8/1945, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh ra mắt quốc dân, nhưng bởi sự ủng hộ của người dân, cuộc mít tinh đã biến trở thành cuộc tuần hành ủng hộ lực lượng Việt Minh. Sáng ngày 19/8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Khoảng 10 giờ rưỡi, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa!. Ở Sài Gòn, giữa Thống chế Terauchi với hai đại diện cao cấp của Việt Minh thực hiện chuyển giao quyền lực trong ngày ngày 22/8 với cam kết quân Nhật không can thiệp nếu Việt Minh giành chính quyền là có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Cũng ngày 22/8, Việt Minh gửi công điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Ngày 23/8, khởi nghĩa ở Huế giành thắng lợi. Ngày 25/8, hàng ngàn người tụ tập trước cửa Ngọ Môn xem nhà vua đọc Tuyên ngôn Thoái vị, ông tuyên bố "muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị". Tại đây, mấy vạn đồng bào lại vỗ tay và hô khẩu hiệu vang lên cả một góc trời: "Việt Nam độc lập muôn năm!", "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!". Ngày 25/8/1945, Việt Minh và Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt tổ chức biểu tình và giành chính quyền tại Sài Gòn (nơi chịu sự cai trị trực tiếp của Nhật). Đến ngày 28/8, Việt Minh giành được chính quyền toàn quốc. Hai tỉnh giành được chính quyền cuối cùng là Hà Tiên và Đồng Nai Thượng.

 Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân cả nước đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công

  

Do chớp đúng thời cơ cách mạng, cuộc tống khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong gần 1 thế kỷ tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế hơn 1000 năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và tuyên bố sự khai sinh của một nước Việt Nam mới: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2. Và việc vận dụng bài học chớp thời cơ chống “giặc Covide-19” tại Việt Nam

Ngay khi bệnh nhân đầu tiên được xác nhận nhiễm virus Corona tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020 (dịp tết cổ truyền của dân tộc), phát biểu tại cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona vào ngày 27/1/2020, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh “Chống dịch như chống giặc”. Chỉ đạo từ người đứng đầu Chính phủ cho thấy thái độ của Việt Nam đối với đại dịch này. Sau khi Thủ tướng công bố dịch tại Việt Nam, đặc biệt khi phát hiện ổ dịch Sơn Lôi (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc), xã này được thực hiện cách ly, công tác giám sát được thắt chặt, các chốt kiểm soát nhằm ngăn chặn dịch được thiết lập, biện pháp xét nghiệm giúp phát hiện sớm virus được đặc biệt coi trọng. Đây chính là thời điểm có tính cơ hội, là khoảng thời gian vàng trong công tác kiểm soát để phòng, chống dịch. Nhờ đó, Việt Nam có chiến thắng trận đầu với chỉ 16 bệnh nhân nhiễm virus Corona.

Người dân cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19
 Người dân cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19

 

Sau thời gian không có ca nhiễm mới, tối ngày 6/3/2020 Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên dương tính với virus corona, sau đó các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện liên tục. Thế trận chống giặc corona càng trở nên nguy hiểm hơn khi có nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng với sự xuất hiện của ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch lớn nhất giữa lòng Thủ đô. Đặc biệt, đây lại là nơi vốn là trận tuyến hùng mạnh của đội quân chống giặc. Sau đó gần 1 tháng, xác định được thời điểm vàng trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngày 30/3/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời hiệu triệu: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chiến thắng đại dịch Covid-19!”. Đồng thời Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày để tránh lây nhiễm, bắt đầu thực hiện từ 0 giờ ngày 1/4/2020. Do xác định đúng được thời điểm quan trọng này, với biện pháp chóng dịch quyết liệt đến nửa cuối tháng 4/2020, Việt Nam chỉ có 363 ca bệnh nhiễm virus corona. Các ca nhiễm trong cộng đồng tạm không xuất hiện.

Gần 100 ngày sau, tức ngày 25/7/2020, Bộ Y tế Việt Nam công bố ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngay sau đó, các biện pháp phòng chống dịch được kích hoạt và triển khai quyết liệt tại tất cả các địa phương trên cả nước. Tại tâm điểm Đà Nẵng, thành phố này áp dụng biện pháp giãn cách xã hội từ 0h ngày 28/7/2020. Đồng thời, các cuộc họp của Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 liên tiếp được tổ chức, Bộ Y tế liên tiếp đưa ra các Thông báo khẩn để triển khai nhanh chóng, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Trong bối cảnh mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc khoanh vùng, thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội ở các nơi được coi là ổ dịch. Cho tới nay Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội đối với toàn thành phố từ 0h ngày 28/7, tỉnh Quảng Nam thực hiện giãn cách xã hội đối với 5 huyện từ 0h ngày 1/8; Một số đơn vị hành chính cấp huyện như huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 2/8; thành phố Buôn Mê Thuột tỉnh Đắk Lắc thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 3/8; thành phố Hải Dương giãn cách xã hội từ 0h ngày 14/8…; 10 tỉnh trong cả nước đã cho học sinh nghỉ học hè (học thêm), 1 trường đại học cho sinh viên nghỉ học tập trung trên giảng đường… Thời gian được coi là “cơ hội vàng” trong chiến trận chống giặc corona đợt này được xác định là khoảng 15 ngày, tính từ ngày 1/8/2020. Ngay khi tận dụng tốt cơ hội vàng này, theo kịch bản của Bộ Y tế Việt Nam thì đến ngày 15/8 theo kịch bản thấp, Việt Nam có khoảng 1500 ca nhiễm; kịch bản cao Việt Nam có khoảng 3000 ca nhiễm. Để biến thời cơ này thành chiến thắng thực sự như các chận chiến mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã từng trải qua thì “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch” như lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Khác xa với kịch bản của Bộ Y tế Việt Nam, Đến hết ngày 15/8 Việt Nam thành công vượt bậc với chỉ 950 ca nhiễm. Thậm chí, cho tới sáng ngày 18/9 Việt Nam cũng mới chỉ ghi nhận 983 ca nhiễm. Cuộc chiếm đấu của nhân dân Việt Nam với tên “giặc covid-19” tiên liệu còn nhiều khó khăn, nhưng sẽ xuất hiện những cơ hội vàng tiếp theo cần tận dụng. Từ bài học về tận dụng thời cơ của Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam quyết tâm tận dụng tốt các thời cơ để có chiến thắng cuối cùng trước đại dịch covid-2019.   

 

BAN CTCT&CTSV


SỰ KIỆN NỔI BẬT