Trang chủ > Công tác chính trị > Công tác Đảng và Đoàn thể

Công tác Đảng và Đoàn thể

Bầu cử - Những nguyên tắc cần ghi nhớ và thực hiện

Ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới. Bài viết này giới thiệu một số nguyên tắc bầu cử và nguyên tắc bỏ phiếu bầu để cử tri cùng ghi nhớ và thực hiện.

 

1. Về nguyên tắc bầu cử

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tại Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các nguyên tắc này được công nhận rộng dãi tại hầu hết các quốc gia tổ chức bầu cử các công quan, chức danh trong bộ máy nhà nước. Các nguyên tắc này được hiểu như sau:

- Nguyên tắc phổ thông: Là Nhà nước bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

- Nguyên tắc bình đẳng: Là cử tri tham gia bầu cử có cơ hội tham gia bầu cử như nhau, có quyền và nghĩa vụ như nhau. Kết quả bầu chỉ phụ thuộc vào số phiếu bầu. Nguyên tắc này còn đòi hỏi sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để đại diện cho các vùng, miền, địa phương, tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số.

- Nguyên tắc trực tiếp: Là cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu; cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình chứ không qua một cấp đại diện cử tri nào, không chịu sự chi phối bởi ý chí của tổ chức, cá nhân khác.

- Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Là bảo đảm sự tự do đầy đủ, cử tri tự thể hiện ý chí của mình mà không cần công khai để tổ chức, cá nhân khác biết.

2. Về nguyên tắc bỏ phiếu bầu

Nhóm nguyên tắc này chi phối và được thực hiện thông qua hành vi cụ thể của từng cử tri khi thực hiện bầu cử. Các nguyên tắc cụ thể như sau:

- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.

- Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại mục (3) và (4) dưới đây; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

- Cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật, bị cách ly không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị, chỗ cách ly của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri đang bị tạm giam, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện hoặc đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.

- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

- Cử tri và mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

Những nguyên tắc cơ bản, cụ thể nêu trên cần được mỗi cử tri biết, hiểu và cùng hành động để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra ngày 23 tháng 5 năm 2021 thành công.

Ban CTCT&CTSV


SỰ KIỆN NỔI BẬT