Trang chủ > Công tác chính trị > Công tác Đảng và Đoàn thể

Công tác Đảng và Đoàn thể

Đảng Cộng sản Việt Nam với lịch sử dân tộc

Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là một mốc son lịch sử đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam suốt 93 năm qua đã minh chứng cho tầm vóc bản lĩnh, trí tuệ của Đảng trên con đường lãnh đạo xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

 

 

Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam

Từ tháng 6-1929 đến tháng 01-1930 ở Việt Nam lần lượt xuất hiện 3 tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn nên lực lượng và tổ chức phân tán, khó thống nhất về tư tưởng và hành động dẫn đến yêu cầu phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ ngày 06-01 đến ngày 07-02-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng. Sau này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) quyết nghị lấy ngày 03-02 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt nam đối với lịch sử dân tộc

Đảng Cộng sản Việt Nam - chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời mang bản chất giai cấp công nhân, là lãnh tụ chính trị, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Do đó, lợi ích của Đảng trước hết đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động, lợi ích của toàn dân tộc. Có thể nói, sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam là do thời đại, giai cấp và dân tộc quyết định. Vai trò lãnh đạo của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi của Đảng khi Đảng mới thành lập.

 

 

93 năm qua, Đảng ta đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình. 15 năm sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, cả dân tộc ta đã nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh tiến hành kháng chiến thắng lợi lập lại hoà bình ở miền Bắc Việt Nam. Trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đỉnh cao của cuộc cách mạng này là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975), đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986) Đảng quyết định đường lối đổi mới toàn diện đất nước cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Năm 1986, đất nước khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, lạm phát 774,7%, tổng thu nhập quốc dân khoảng 14 tỷ USD với hơn 50 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người khoảng 280 USD. Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Năm 1996, Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; năm 2008, ra khỏi tình trạng một nước kém phát triển, có mức thu nhập trung bình và năm 2022, với gần 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.100 USD. Diện mạo đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gấp nhiều lần, đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt về vật chất, văn hóa, tinh thần, về mức sống và chất lượng cuộc sống; nhất là về ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, dịch vụ cuộc sống.

Nhận định trước những thay đổi to lớn của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nêu rõ và Đại hội XIII của Đảng đã ghi nhận: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Kết quả đó thể hiện tính đúng đắn, sáng tạo trong vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công cuộc đổi mới vẫn còn tiếp tục và được đẩy mạnh đặt ra yêu cầu cần tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng. Do vậy, thời gian gần đây Đảng luôn quan tâm đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ; quyết liệt, đồng bộ giữa xây và chống. Việc Xử lý các sai phạm thực hiện theo quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”. Cùng với xử lý nghiêm sai phạm, Đảng thực hiện thay thế kịp thời những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: “Có vào, có ra, có lên, có xuống”. Đây là việc làm khó khăn, được thực hiện thận trọng, có lý, có tình tránh làm làm cho những người dám nghĩ, dám làm "nhụt chí", "chùn bước". Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng càng mạnh lên, càng cho thấy rõ Đảng “là đạo đức, là văn minh” từ đó càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Nhân dân, dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam - người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Từ thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, có thể khẳng định rằng: đường lối lãnh đạo của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng suốt và luôn được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin tưởng. Đảng có đủ bản lĩnh, trí tuệ, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam không chỉ giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến giành và giữ chính quyền, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà cả trong xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng đất nước theo mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ban CTCT&CTSV tổng hợp


SỰ KIỆN NỔI BẬT