Ngày 25/8/2017 Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã lập kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Căn cứ kế hoạch và thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc, Trạm Y tế, Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên, Văn phòng Học viện, Đoàn thanh niên và Công đoàn Học viện đã đẩy mạnh triển khai các nội dung về công tác vệ sinh môi trường và công tác tuyên truyền. Cụ thể: Tổ chức đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường thu gom phế thải, diệt bọ gậy… tại khu ký túc xá, các khoa, các nhà làm việc; phun hóa chất diệt muỗi trong thời gian từ ngày 28-30/8/2017 và ngày 5/9/2017. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cán bộ viên chức, người lao động và người học về biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất ; hướng dẫn cho cán bộ viên chức, người lao động và người học cách tự phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thông qua các kênh tuyên truyền như pano, tờ rơi phát tại ký túc xá, phát thanh và Facebook Học viện…
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể phát triển thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. SXH “có mặt” ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, SXH xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây thành dịch lớn làm nhiều người mắc cùng lúc, gây khó khăn cho việc chăm sóc và điều trị, giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu đến muộn có thể dẫn đến sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tay tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong cao, đặc biệt là trẻ em.
Khi nghi ngờ bị SXH thì đưa ngay người bệnh đi khám. Trường hợp nhẹ có thể chăm sóc tại nhà như sau:
+ Nghỉ ngơi tại nhà.
+ Cho uống nhiều nước, uống dung dịch Oresol, nước trái cây. Cho ăn nhẹ như: cháo, súp hoặc sữa.
+ Hạ sốt với Paracetamol, lau mát khi sốt cao.
Theo dõi bệnh nhân nếu có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng (sốt li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.
* Các biện pháp phòng, chống SXH:
Cách tốt nhất để phòng chống SXH là thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ phải mắc màn.
- Hàng tuần thay nước bình hoa, súc rửa bình, loại bỏ vật phế thải và các ổ nước đọng để muỗi không có nơi sinh sản.
- Thả cá 7 màu để cá ăn lăng quăng trong thùng, bể nước, hồ nước khó xúc rửa.
- Diệt muỗi bằng nhang trừ muỗi, vợt điện diệt muỗi, bình xịt muỗi, treo mành tre, rèm tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa sổ và cửa ra vào.
Cách tránh muỗi đốt:
- Không treo quần áo, chăn, vật dụng ở nơi tối tăm ẩm thấp để muỗi không có nơi trú đậu.
- Mặc quần áo dài, màu sáng để hạn chế muỗi đốt; ngủ màn kể cả ban ngày, nhất là đối với trẻ nhỏ.
- Làm lưới chắn muỗi ở của sổ, cửa ra vào.
Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh SXH. Nếu không có lăng quăng, không có muỗi vằn thì không có bệnh SXH. Diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng chống Sốt xuất huyết là trách nhiệm của mỗi người. Cần tích cực tuyên truyền vận động mọi gia đình hàng tuần tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng ở các vật chứa nước trong nhà và xung quanh nhà để muỗi vằn không có nơi sinh sản.
Ban CTCT&CTSV