Trang chủ > Chi Bộ Ban
Chi Bộ Ban
Thể lệ Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 (SV.STARTUP-2019)
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1082 /QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. Đối tượng tham dự
1. Học sinh, sinh viên đang học tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và học sinh đang học tại các trường trung học phổ thông (THPT) trên toàn quốc.
2. Các cá nhân hoặc nhóm học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo đăng ký dự thi theo đơn vị trường. Các cá nhân hoặc nhóm học sinh THPT đăng ký dự thi theo đơn vị Sở giáo dục và đào tạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
II. Lĩnh vực dự thi
Các dự án khởi nghiệp tham dự Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 (SV.STARTUP-2019) được chia theo các lĩnh vực:
1. Khoa học, công nghệ;
2. Công nghiệp, chế tạo sản phẩm;
3. Nông, lâm, ngư nghiệp;
4. Giáo dục, y tế;
5. Dịch vụ, du lịch;
6. Tài chính, ngân hàng;
7. Kinh doanh tạo tác động xã hội;
8. Các ngành nghề khác và lĩnh vực kinh doanh khác.
III. Quy định về bài dự thi
1. Thể thức, hình thức trình bày
Bài dự thi được trình bày bằng Tiếng Việt, đánh máy trên khổ A4, cỡ chữ 14, phông chữ Times New Roman, nội dung trình bày hướng dẫn chi tiết (Phụ lục 1 đính kèm theo).
2. Sản phẩm nộp dự thi
Sản phẩm các đội nộp tham dự Cuộc thi gồm:
- Bản thuyết minh dự án được trình bày (Mô tả chi tiết trong phụ lục số 02 đính kèm theo);
- Bản thuyết trình của nhóm được trình bày bằng Video clip không quá 03 phút (Mô tả chi tiết Phụ lục 03 đính kèm theo);
- Sản phẩm mẫu gửi kèm theo bằng ảnh hoặc Video clip (nếu có).
IV. Các vòng thi
1. Vòng thi cơ sở
a) Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm:
- Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp hoặc bộ phận hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến Cuộc thi và thể lệ đến học sinh, sinh viên trong toàn trường. Hướng dẫn học sinh, sinh viên trình bày và lập bản thuyết minh dự án theo quy định tại Mục III.
- Lựa chọn không quá 02 dự án đối với sinh viên tham dự vòng thi toàn quốc (Có thể tổ chức các cuộc thi hoặc xét chọn hồ sơ).
b) Các Sở giáo dục và đào tạo
- Phổ biến cuộc thi và thể lệ đến học sinh THPT trong toàn tỉnh, thành phố (bao gồm cả học sinh đang học hệ THPT trong các cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố) khuyến khích các học sinh có dự án khả thi (có thể sử dụng sản phẩm của dự án đã tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học) trình bày và lập bản thuyết minh dự án theo quy định tại Mục III.
- Tổ chức lựa chọn không quá 02 dự án tham dự vòng thi toàn quốc (có thể thi hoặc xét hồ sơ).
c) Thời hạn Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận hồ sơ dự thi từ các trường, các sở giáo dục và đào tạo trước 17h00 ngày 16/8/2019.
2. Vòng thi toàn quốc
- Sau khi nhận được hồ sơ và bài dự thi của các trường, các sở giáo dục và đào tạo, từ 19/8/2019 đến 26/8/2019, Ban giám khảo chấm và lựa chọn 45 dự án của sinh viên các cơ sở đào tạo và 15 dự án của học sinh THPT có tính khả thi cao nhất vào Vòng thi chung kết.
- Kết quả sẽ được Ban tổ chức công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cổng khởi nghiệp http://www.congkhoinghiep.vn và Fanpage của Chương trình: https://www.facebook.com/khoinghiepquocgiaHSSV;
3. Vòng thi chung kết
a) Vòng thi chung kết được Tổ chức tại ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 diễn ra vào ngày 04-05/10/2019, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
- Các đội tham dự Vòng chung kết sẽ tham gia trưng bày các sản phẩm, ý tưởng, dự án khởi nghiệp của đội tại các gian hàng theo các chủ đề được ban tổ chức bố trí tại ngày Hội khởi nghiệp quốc gia năm 2019, lấy ý kiến đánh giá sản phẩm, dự án của khách hàng tham quan gian hàng và đánh giá thông qua Fanpage của Chương trình:https://www.facebook.com/khoinghiepquocgiaHSSV.
- Các đội dự thi Vòng chung kết phải trải qua 02 Chặng thi như sau:
b) Chặng một
- Các đội dự thi sẽ trình chiếu Video clip giới thiệu dự án (03 phút) và bốc thăm chọn một trong các đội dự thi còn lại để hỏi đáp đối đầu (03-05 phút);
- Ban Giám khảo căn cứ ý kiến đánh giá sản phẩm, dự án của khách hàng (dựa trên số lượng, tỉ lệ) và kết quả Chặng một, lựa chọn 10 ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và 05 ý tưởng, dự án của học sinh THPT có tính khả thi cao nhất để vào vòng thi cuối cùng.
c) Chặng hai
- Các đội dự thi có từ 03-05 phút trình bày bài dự thi và Ban Giám khảo sẽ có 10 phút để đặt câu hỏi.
- Kết quả điểm số của đội dự thi được đánh giá theo thang điểm do Ban Giám khảo cuộc thi quy định cụ thể trên cơ sở tiêu chí chấm điểm được quy định tại Mục V của văn bản này.
V. Tiêu chí chấm điểm
1. Đối với dự án của sinh viên các cơ sở đào tạo
a) Sự cần thiết của sản phẩm, dịch vụ đối với nhu cầu thị trường; Lợi ích của sản phẩm, dịch vụ đem lại cho khách hàng, cộng đồng và xã hội; Đánh giá đối tượng, phân khúc khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ. Sản phẩm/ dịch vụ đó sẽ hỗ trợ giải quyết được vấn đề nào của xã hội, của cộng đồng (20 điểm).
b) Tính khả thi trong việc sản xuất, kinh doanh; Khả năng về tài chính; tính hiệu quả bao gồm cơ cấu chi phí, giá thành phù hợp cạnh tranh so với các loại sản phẩm, dịch vụ đã có trên thị trường (15 điểm).
c) Tính độc đáo, sáng tạo, giá trị khác khác biệt của sản phẩm, dịch vụ so với các sản phẩm đã có trên thị trường; Tính bền vững của sản phẩm, dịch vụ (15 điểm).
d) Kế hoạch sản xuất, kinh doanh: Kế hoạch sản xuất hàng hóa; Phân tích và đánh giá rủi ro; Giải pháp xây dựng các kênh phân phối hàng hóa; Phát triển, mở rộng thị trường(10 điểm).
đ) Kết quả tiềm năng của dự án bao gồm: doanh thu, lợi nhuận dự kiến, khả năng tăng trưởng, tác động xã hội của dự án (10 điểm).
e) Nguồn lực thực hiện: Đánh giá nguồn nhân lực, tính sẵn sàng tham gia, cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự cho dự án; Các đối tác chính, Giải pháp huy động vốn triển khai dự án (10 điểm).
f) Các kênh truyền thông: Lập kế hoạch truyền thông tổng thể; Xây dựng công cụ truyền thông; Giải pháp truyền thông độc đáo và khác biệt (10 điểm).
g) Khả năng thuyết trình, trình bày dự án (10 điểm).
2. Đối với dự án của học sinh THPT
a) Tính cần thiết của sản phẩm, dịch vụ đối với nhu cầu thị trường; Lợi ích của sản phẩm, dịch vụ đem lại cho khách hàng, cộng đồng và xã hội; Sản phẩm/ dịch vụ đó sẽ hỗ trợ giải quyết được vấn đề nào của xã hội, của cộng đồng (20 điểm).
b) Tính khả thi trong kế hoạch kinh doanh; Tính khả thi về nguồn lực tổ chức sản xuất và kinh doanh, tính khả thi về mức giá và phương thức bán hàng, phương thức Marketing(20 điểm).
c) Tính độc đáo, sáng tạo, giá trị khác khác biệt của sản phẩm, dịch vụ so với các sản phẩm đã có trên thị trường (20 điểm).
d) Kết quả tiềm năng của dự án bao gồm: doanh thu, lợi nhuận dự kiến, khả năng tăng trưởng, tác động xã hội của dự án (15 điểm).
đ) Các kênh truyền thông: Lập kế hoạch truyền thông tổng thể; Xây dựng công cụ truyền thông; Giải pháp truyền thông độc đáo và khác biệt (10 điểm).
e) Khả năng thuyết trình dự án, kiến thức về tài chính kinh doanh, kiến thức pháp luật và hiểu biết xã hội, tinh thần làm việc nhóm (15 điểm).
VI. Giải thưởng
1. Các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm có dự án tham dự Cuộc thi đoạt giải nhất sẽ được xem xét để các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, không gian chung (Co-Working Space) trong các nhà trường.
2. Cơ cấu giải như sau:
a) Đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên các cơ sở đào tạo
- 01 giải Nhất gồm: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng 100 triệu đồng, được hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư.
- 02 giải Nhì gồm: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng 60 triệu;
- 03 giải Ba gồm: Giấy chứng nhận đoạt giải Ba Cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng 40 triệu đồng;
- 04 giải Khuyến khích: Giấy chứng nhận đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng 10 triệu đồng;
b) Đối với các dự án khởi nghiệp của học sinh THPT
- 01 giải Nhất gồm: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng 50 triệu đồng;
- 01 giải Nhì gồm: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng 30 triệu đồng;
- 01 giải Ba gồm: Giấy chứng nhận đoạt giải Ba Cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng 15 triệu đồng;
- 02 giải Khuyến khích gồm: Giấy chứng nhận đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng 05 triệu đồng;
c) Giải gian hàng suất sắc nhất
- 01 giải của khối sinh viên gồm: Giấy chứng nhận đoạt giải gian hàng xuất sắc nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng 10 triệu đồng;
- 01 giải của khối THPT gồm: Giấy chứng nhận đoạt giải gian bày xuất sắc nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng: 10 triệu đồng;
d) Giải thưởng dành cho dự án được bình chọn nhiều nhất qua Fanpage
- 01 giải của khối sinh viên gồm: Giấy chứng nhận dự án được bình chọn nhiều nhất Cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng: 10 triệu đồng;
- 01 giải của khối THPT gồm: Giấy chứng nhận dự án được bình chọn nhiều nhất Cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền giải thưởng: 10 triệu đồng;
3. Trao giải
a) Giải thưởng được công bố trực tiếp tại Lễ Bế mạc và trao giải trong ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019.
b) Tiền giải thưởng sẽ được chuyển khoản đến tài khoản của đại diện các đội tham dự cuộc thi. Cá nhân đại diện đội tham dự cuộc thi cuộc thi cần cung cấp các thông tin như sau: Họ tên người nhận tiền (Viết đủ dấu); Đơn vị; Số điện thoại; Email; Thông tin tài khoản (số tài khoản, tên chủ tài khoản, ngân hàng, chi nhánh).
4. Trách nhiệm của tác giả và nhóm tác giả tham dự cuộc thi
a) Thực hiện các quy định của Thể lệ cuộc thi, đảm bảo sản phẩm dự thi phải tuân thủ đúng yêu cầu và Thể lệ của Ban tổ chức. Không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin trong hồ sơ dự thi. Các sản phẩm dự thi không phải là đối tượng tranh chấp bản quyền tác giả. Các giải pháp, ý tưởng sáng tạo muốn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền trước khi công bố giải.
b) Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu bài gửi dự thi của các nhà trường không đến được Ban tổ chức do lỗi kỹ thuật.
c) Trong trường hợp tranh chấp bản quyền phát sinh sau khi sản phẩm dự thi đoạt giải, đối tượng dự thi hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
d) Mọi chi phí hay các khoản nộp thuế liên quan đến giải thưởng cuộc thi do tác giả, nhóm tác giả đoạt giải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
đ) Đối với các đội là sinh viên các cơ sở đào tạo, có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp hoặc bộ phận hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của nhà trường xây dựng kế hoạch sử dụng tiền thưởng trong việc phát triển dự án. Định kỳ báo cáo việc triển khai dự án về Thường trực Ban tổ chức Cuộc thi SV.STARTUP để theo dõi, hỗ trợ kết nối nguồn lực ươm tạo, thúc đẩy dự án thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.
VII. Hình thức nộp bài dự thi
Bài dự thi của các cơ sở đào tạo và các sở giáo dục và đào tạo gửi về Thường trực Ban tổ chức cuộc thi: Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Số 35, Đại Cồ Việt, Hà Nội theo 02 hình thức:
1. Nộp trực tiếp cho Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi (đ/c Bùi Tiến Dũng, điện thoại: 0913 459 858) hoặc nộp bài dự thi qua đường bưu điện.
2. Gửi qua Email: duthi.svstartup@gmail.com bằng bản PDF và các minh chứng dưới dạng ảnh hoặc Video clip minh họa sau khi nhận được thư phản hồi xác nhận việc nộp bài thi đã hoàn thành.
Ban tổ chức công bố danh sách các dự án được chọn vào Vòng chung kết Cuộc thi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://www.moet.gov.vn/); cổng khởi nghiệp http://www.congkhoinghiep.vn và Fanpage của Chương trình:https://www.facebook.com/khoinghiepquocgiaHSSV trước ngày 15/9/2019. Nội dung, thông tin liên quan đến dự án của các học sinh, sinh viên, nhóm học sinh, sinh viên tham dự Cuộc thi được Ban tổ chức bảo mật theo quy định của pháp luật.
VIII. Thông tin liên hệ
Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi: Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội, đ/c Bùi Tiến Dũng, điện thoại: 0913 459 858; Email: btdung@moet.gov.vn.
Trên đây là Thể lệ Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”năm 2019 (SV.STARTUP -2019).
Trong quá trình tổ chức Cuộc thi, Thể lệ Cuộc thi có thể được sửa đổi và bổ sung từ Ban Tổ chức để phù hợp với thực tiễn và thông báo kịp thời đến thí sinh.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Nguyễn Thị Nghĩa
Xem đầy đủ thể lệ và hướng dẫn tại đây: https://bitly.vn/2ci3