Trang chủ > Công tác chính trị > Công tác Đảng và Đoàn thể

Công tác Đảng và Đoàn thể

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023): Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho nhân dân, cho Tổ quốc vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập tự do của các dân tộc, và vì hòa bình công lý trên thế giới. 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc nhỏ tên Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác, sinh ngày 19/05/1890 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Khi lớn lên, Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào. Với tinh thần dũng cảm, yêu nước, thương dân vô hạn, năm 1911, Người đã rời Tổ quốc sang các nước phương Tây để tìm đường giải phóng dân tộc. Năm 1912-1917, với tên gọi Nguyễn Tất Thành, Người đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới.

Năm 1919, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi đến hội nghị Vesailles bản yêu sách đòi quyền tự do của nhân dân Việt Nam. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự đại hội lần thứ XVIII của Đảng xã hội Pháp. Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tháng 10/1923, tại Hội nghị quốc tế nông dân lần thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng quốc tế nông dân. Người là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào đoàn chủ tịch của Hội đồng. Năm 1924, Người tham gia Quốc tế Cộng sản lần thứ V, đại hội Quốc tế Cộng sản thanh niên lần thứ IV, đại hội quốc tế Công hội đỏ. Nguyễn Ái Quốc là Ủy viên Thường trực Bộ phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), chọn một số thanh niên Việt Nam yêu nước đang sống ở Quảng Châu để đào tạo huấn luyện, các bài giảng của Người được tập hợp, in thành cuốn Đường Kách Mệnh. Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên. Mùa xuân năm 1930, Người chủ trì Người chủ trì hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long (Trung Quốc) thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 6/1931 Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông. Gần hai năm sau, 1933, Người được trả tự do.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng dân tộc

 

Ngày 28/01/1941, Người về nước sau hơn 30 xa Tổ quốc. Tháng 5/1941, Người triệu tập hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Tháng 5/1945, Người từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang), tại đây theo đề nghị của Người, hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp và quyết định tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tháng 8/1945, Người và Đảng đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người đã đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Đại hội lần thứ 2 của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp bằng chiến thắng vẻ vang Điện Biên Phủ (1954), giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Tháng 9/1960, Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, Người khẳng định “Đại hội này là Đại hội xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Tại Đại hội Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Người nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song, nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Từ năm 1965 đến 1969, cùng với Trung ương Đảng, Người tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện sự nghiệp cách mạng trong điều kiện đất nước có chiến tranh, xây dựng bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Người từ trần. Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam một bản Di chúc lịch sử, Người viết: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Vào mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện được mong ước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1987, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn mãi là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

 Chủ tịch Hồ chí Minh ghi sổ vàng truyền thống của Học viện khi về thăm Học viện ngày 24/5/1959

 

Với cán bộ, công chức, viên chức Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn thấy Bác vừa thiêng liêng, vĩ đại, vừa gần gũi vô cùng khi nghĩ tới lần Bác Hồ về thăm Học viện, ngày 24 tháng 5 năm 1959. Những ngày này, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người học của Học viện đang hướng tới kỉ niệm 64 năm ngày Bác Hồ về thăm, đồng thời phấn đấu thực hiện lời dạy của Người khi về thăm Học viện: “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi”.

Ban CTCT&CTSV


SỰ KIỆN NỔI BẬT